Tìm kiếm

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Khơi xa và tình người lính đảo Phú Yên


Thông tin đặt vé máy bay TP Hồ Chí Minh đi Phú Yên giá rẻ truy cập website toibay.vn

KHƠI XA VÀ TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO PHÚ YÊN
Thuyền cỡ 90CV phải chạy lên tục 4 ngày đêm mới tới ngư trường. Lần đầu tiên vươn khơi xa, những ngư dân câu cá ngừ đại dương lo lắng nhưng không khỏi tự hào khi thấy các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa yêu thương mà lâu nay chỉ nghe qua sách vở, đài, báo. Ngư dân Mai Văn Sáo (45 tuổi), thổ lộ: “Lần đầu ra khơi xa, tôi thấy mình vô cùng nhỏ bé trước biển khơi. Lênh đênh trên biển, không ít lần đối mặt với bão táp, hết lương thực, thuyền hỏng máy, bệnh đau cần cấp cứu... Những lúc như vậy không còn cách nào khác là cho thuyền trôi vào các đảo. Sau này khi có hệ thống máy bộ đàm, Icom thì phát lên sóng kêu cứu và được hướng dẫn”.
Lão ngư Phan Thuẫn kể về lần gặp tai nạn gần đây nhất trên thuyền do chính ông cầm lái: “Tháng 8 âm lịch năm 2009, lúc ấy thuyền vừa đến ngư trường khu vực quần đảo Trường Sa thì nghe tin bão số 9. Bão giật trên cấp 13, tốc độ di chuyển cực nhanh. Chỉ kịp phát tín hiệu cấp cứu thì thấy trời đen kịt, gió rít ào ào, những con sóng cao cứ chồm lên rồi vồ xuống chiếc thuyền bé tẹo như chiếc lá khô. Tôi siết chặt ga, các thuyền viên sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, tiến về đảo Đá Nam. Chưa kịp cập đảo thì thuyền bị bão đánh vỡ tan xác. Cũng may, bão qua nhanh, thuyền bạn và bộ đội trên đảo Đá Nam đến ứng cứu kịp thời. Từ 22g đêm trước cho đến 16g chiều hôm sau mới tìm thấy hết số thuyền viên. Chúng tôi được đưa lên đảo nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe”. Ông Thuẫn thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát hiểm chứ không phải chuyện xảy ra cách đây đã hai năm: “Trước khi về đất liền, tụi tui còn được bộ đội cho lương thực, nước uống, quần áo. May là lần ấy không có thiệt hại về người. Các anh bộ đội Trường Sa thật nghĩa tình, cứ như người trong nhà!”.
Cách đây hai tháng, con rể ông Thuẫn, anh Nguyễn Thanh Hiệp tiếp quản làm thuyền trưởng, không may bị hỏng “con heo dầu” (một bộ phận của máy nổ), lại ghé vào đảo Đá Nam để “tị nạn”. Trước khi ra về, các ngư dân cũng được bộ đội tặng nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh. Với những người lính đảo, thấy thuyền đánh cá của ngư dân như nhìn thấy chim hải âu (chim hải âu chỉ có ở gần bờ), như nhìn thấy đất mẹ. Còn với những ngư dân đánh bắt ở khơi xa, thấy đảo như thấy nhà, anh em chiến sĩ là người thân.
Tuy không có cướp biển giết người cướp của như vùng Caribe, nhưng với những ngư dân đánh bắt xa bờ, chuyện gặp cướp cũng không lạ. Ông Lê Chí Long (phường Phú Đông, TP Phú Yên) kể, năm 2009, nhóm thuyền của ông và những người trong lạch đang làm ăn thì bị một số tàu nước ngoài rượt đuổi, giành ngư trường, tranh cướp cá và ngư cụ. Điều đó càng làm cho ngư dân quyết tâm bám biển hơn, gắn thêm trách nhiệm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét